Cách đánh giá an toàn phòng cháy khi thuê, mua căn hộ

Khi tìm nơi ở, đặc biệt là trong các tòa chung cư nằm trong ngõ sâu, người thuê hoặc mua căn hộ cần kiểm tra các tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng cháy chữa cháy dưới đây:

cách đánh giá an toàn phòng cháy chữa cháy khi mua căn hộ, khách sạn, kho xưởng khu công nghiệp | K-property Việt Nam

Hệ thống cảnh báo cháy và cứu hỏa

Hệ thống cảnh báo cháy thường bao gồm các chi tiết: Cảm biến khói, báo cháy, bình chữa cháy, vòi phun nước tự động (spinler) và máy báo cháy kết nối mạng.

Để xác định các thiết bị vẫn hoạt động ổn định, có thể kiểm tra bằng cách:

Thiết bị Cách kiểm tra
Cảm biến khói Sử dụng bộ dụng cụ kiểm tra chuyên dụng hoặc nguồn khói chủ động, ví dụ như: buộc nhiều điếu thuốc châm lửa, đưa lên gần vị trí cảm biến.
Báo cháy Sử dụng nút ấn, loa, chuông, âm thanh cảnh báo tại các vị trí đặt để xác minh tình trạng hoạt động.
Bình chữa cháy

Kiểm tra áp suất và hạn sử dụng thông qua đồng hồ hiển thị trên bình và kẹp chì đầu vòi vẫn còn niêm phong.

Vòi phun nước tự động Khi đưa ngọn lửa lên gần đầu vòi phun, hệ thống sẽ nhận cảm biến nhiệt và lập tức phun nước tự động.
Máy báo cháy kết nối mạng Xác minh kết nối mạng và các mắt camera hoạt động bình thường để đảm bảo hệ thống luôn sẵn sàng.

Lưu ý, hệ thống cảm biến báo khói và báo cháy tự động thường lắp đặt ở phòng ngủ, phòng khách, bếp và các khu vực chung. Bình cứu hỏa luôn đi kèm bảng hướng dẫn và kế hoạch kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra các giấy tờ, chứng chỉ an toàn phòng cháy chữa cháy của tòa nhà, được cấp phép bởi các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Tìm hiểu quanh khu vực xem từng xảy ra cháy nổ chưa và cách giải quyết, khắc phục sự cố. Nên cân nhắc kỹ nếu tòa nhà nằm gần các cơ sở chứa nguyên vật liệu nguy hiểm dễ xảy ra hỏa hoạn như cây xăng, kho hàng...

Lối thoát hiểm khẩn cấp

Khi tìm hiểu tòa nhà, cần xác định vị trí thang thoát hiểm, có thể giả định tình huống xấu xảy ra thì đâu sẽ là vị trí để bạn và gia đình dễ dàng tiếp cận và thoát ra ngoài chờ lực lượng cứu hộ đến ứng cứu. Trong quá trình ở, cần thường xuyên để mắt tới vị trí này, kiểm tra tình trạng để đảm bảo chúng luôn hoạt động tốt, không có vật cản che chắn, bố trí thiết bị hỗ trợ phòng chống khói, thang dây thoát hiểm...

Các ban công, lô gia, "chuồng cọp"... không được hàn khung sắt cố định, có thể đóng mở khi cần. Để an tâm hơn, nên nhờ đơn vị có chuyên môn kiểm tra xem giữa các căn hộ có thiết kế lớp cách nhiệt, ngăn cháy không.

Thông gió

Kiểm tra hệ thống thông gió tại các tầng kỹ thuật, tầng để xe... vì đây là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Thực tế, các xe máy sau khi sử dụng, lượng xăng thừa và khí phát thải ra bên ngoài rất lớn nên khu vực này cần đảm bảo thông thoáng.

Tại đây nên có khu vực riêng dành cho xe điện, có nhân viên bảo vệ kiểm soát thường xuyên khi sạc pin.

Hệ thống điện

Hệ thống dây điện cần được kiểm tra khả năng chịu tải của căn hộ bằng cách tính tổng công suất của thiết bị, so sánh với sức chứa của hệ thống (đo bằng Ampe) và kiểm tra dây điện, ổ cắm. Ngoài ra, bạn nên kiểm tra hệ thống cảm biến phát nổ điện và mức điện áp an toàn. Nếu cần có thể xin tư vấn từ người có chuyên môn.

Trong quá trình sử dụng, nhất là vào những giờ cao điểm, ngày nắng nóng, hay xảy ra tình trạng nhảy aptomat tại căn hộ, bạn nên yêu cầu ban quản lý kiểm tra lại và cân nhắc khi ở đó.

Tổ chức quản lý vận hành tòa nhà

Đảm bảo rằng nơi bạn định thuê, mua thường xuyên được chuyên gia kỹ thuật kiểm tra định kỳ các thiết bị, diễn tập xảy ra sự cố, đội ngũ bảo vệ và quản lý chuyên nghiệp.

Quan trọng hơn, cần nâng cao ý thức của mỗi thành viên trong gia đình về sự nguy hiểm khi xảy ra hỏa hoạn, phổ biến kiến thức cơ bản về cách sử dụng, vị trí đặt các thiết bị hỗ trợ như mặt nạ phòng chống khói độc, thang dây, lối thoát hiểm...

KTS Trương Thành Trung
Công ty TNHH kiến trúc T&T

Theo VNExpress.