Thị trường bán lẻ quý III sôi động hơn bởi cuộc đua nâng cấp chất lượng mặt bằng của nhiều trung tâm thương mại lớn tại TP HCM và Hà Nội.


Tại TP HCM, trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza với diện tích 25.000 m2 đã khai thác trở lại trong quý III sau thời gian đóng cửa sửa chữa và đổi chủ. Ông Trần Lệ Nguyên, CEO KIDO cho biết đã tiếp nhận lại mặt bằng mà Parkson thuê tại Hùng Vương Plaza và cải tạo lại theo mô hình như Vạn Hạnh Mall. Trung tâm mới này có lối ra vào từ 4 mặt tiền, thay vì hai cửa như trước. Theo ông Nguyên, trước khi khai trương, tỷ lệ cho thuê đã ký đạt trên 80%. Giá thuê từ 30 USD đến 95 USD một m2 một tháng.

Tại Hà Nội, hồi tháng 6, Indochina Plaza Hanoi cũng hoàn thành cải tạo và đổi tên thành The Loop Shopping Center do Takashimaya quản lý. Trong hai năm, trung tâm này đã thiết kế lại cảnh quan, bố trí nhiều không gian xanh, cải tạo nội, ngoại thất. Định vị thương hiệu cũng thay đổi, nhắm đến giới trẻ thay vì giới hạn cho cư dân như trước.

Hai dự án trên đều ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao sau giai đoạn cải tạo. Một số trung tâm thương mại lớn như Vivo City, Giga Mall và Vincom 3/2 cũng có kế hoạch cải tạo và thay đổi cơ cấu khách thuê trong năm sau để làm mới chu kỳ bán lẻ.

mặt bằng bán lẻ đua nâng cấp T10.2023
(Mặt bằng bán lẻ tại một Trung tâm Thương mại trên đường Bà Triệu - Hà Nội)

Nhiều ông lớn bán lẻ mở rộng quy mô tại Việt Nam cũng thúc đẩy thị trường sôi động hơn trong quý III. Tại Hà Nội, tập đoàn Lotte vừa khai trương trung tâm thương mại Lotte Mall Westlake Hà Nội tại quận Tây Hồ với diện tích cho thuê 72.000 m2, chưa gồm diện tích hầm và thủy cung. Dự án này đạt công suất cho thuê tối đa trong ngày đầu tiên khai trương.

Central Group và Aeon Mall cũng đẩy mạnh mở rộng mô hình mới tại các tỉnh thành ngoài TP HCM và Hà Nội. Ví dụ như Central Group tung ra thương hiệu nội thất mới tại Đồng Nai và Quảng Nam còn Aeon Mall khai trương mô hình "siêu thị linh hoạt" tại Bình Dương. Trong năm 2024. Aeon Mall Huế dự kiến đưa vào hoạt động với diện tích sàn gần 138.000 m2, trở thành trung tâm thương mại đầu tiên của Aeon tại miền Trung.

Chuyên gia Cushman & Wakefield nhìn nhận trong quý III, một số trung tâm thương mại, kể cả ở khu vực trung tâm, đã và đang tái cấu trúc mặt bằng cho thuê nhằm tối ưu hóa không gian mua sắm. Giá thuê trung bình tại tầng trệt ở Hà Nội và TP HCM đều tăng lần lượt 10% và 7,3% theo năm, chủ yếu bởi nguồn cung mới và được cải tạo thời gian gần đây. Tỷ lệ lấp đầy tại Hà Nội đạt khoảng 85%, còn TP HCM là gần 90%. Một số dự án cũ hơn cũng cân nhắc việc chuyển đổi mặt bằng cho thuê bán lẻ sang mục đích khác do cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Theo CBRE, nguồn cung mới hạn chế trong khi nguồn cầu ổn định đã thúc đẩy bất động sản bán lẻ tại TP HCM và Hà Nội tăng trưởng tốt về tỷ lệ lấp đầy và giá thuê. Tỷ lệ lấp đầy trung bình tại TP HCM gần 92%, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này tại Hà Nội là 87%, tăng 3% so với cùng kỳ 2022. Trong quý III, giá thuê tầng trệt tại khu vực trung tâm TP HCM đạt 200-350 USD mỗi m2 một tháng. Tại Hà Nội, giá thuê không thay đổi nhiều so với quý trước, ở mức 162 USD mỗi m2 một tháng.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Hà Nội cho biết công suất thuê mặt bằng bán lẻ hiện nay phụ thuộc lớn vào việc thiết kế của trung tâm thương mại hay khối đế bán lẻ có đáp ứng được nhu cầu ngày càng gay gắt từ nhãn hàng hay không. Bà Minh nhìn nhận các nhãn hàng đang quan tâm nhiều hơn đến vị trí và điều kiện khi thuê mặt bằng, nhằm dễ thu hút trải nghiệm người dùng. Do đó, các đơn vị cung cấp bất động sản bán lẻ cần chú ý đến những chi tiết về thiết kế, cấu trúc như chiều cao trần, đường dây điện hay yêu cầu về pháp lý, an toàn phòng cháy chữa cháy khi phát triển dự án.

"Đây là thời điểm các chủ đầu tư xem xét lại chất lượng, thiết kế và pháp lý của dự án để đáp ứng nhu cầu khách thuê", bà nói.

Theo VNExpress.