(Ảnh minh họa: Trung tâm lưu trữ dữ liệu)

Thống kê của Global Web Index cho thấy, người dùng toàn cầu dành trung bình 6,43 tiếng mỗi ngày, tương ứng với 100 ngày mỗi năm sử dụng Internet, tạo ra khối lượng dữ liệu khổng lồ trên các nền tảng trực tuyến.

Số liệu của Domo cho thấy, trong năm 2020, mỗi phút có 404.444 giờ video được xem trên Netflix, 42 triệu tin nhắn được gửi trên WhatsApp, 1 tỷ USD được giao dịch online và khoảng 208.333 người sử dụng ứng dụng Zoom. Người dùng Internet tạo ra khoảng 2,5 tỷ tỷ bytes dữ liệu mỗi ngày.

Ngoài ra, lượng dữ liệu tạo ra từ các hoạt động công nghiệp là thương mại cũng đồng thời gia tăng với mức độ chưa từng có nhờ sự phát triển của Internet Vạn Vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (AR) và blockchain.

Theo thống kê của Cisco, vào năm 2008, giao tiếp giữa các thiết bị điện tử (machine-to-machine) chỉ chiếm 33% trong số 6,1 tỷ kết nối. Dự kiến vào năm 2023, số lượng kết nối toàn cầu vào năm sẽ đạt 14,7 tỷ; trong đó, M2M chiếm đến 50%.

Để có thể đáp ứng sự bùng nổ trong nhu cầu lưu trữ dữ liệu, số lượng các trung tâm dữ liệu trên toàn cầu đã tăng nhanh đáng kể. Dữ liệu của Cisco cũng cho thấy, tính riêng số lượng các trung tâm dữ liệu lớn (hyperscale) trên toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 2015 đến quý 2/2020 từ 259 lên 541 trung tâm. Tính đến tháng 2/2021, số lượng trung tâm dữ liệu tại Mỹ đạt 2,653, tại Anh là 541, tại Đức là 442 và tại Nhật là 199.

Tại Việt Nam, giá trị thị trường trung tâm dữ liệu đạt 858 triệu USD vào năm 2020, tăng 130 triệu USD so với mức 728 triệu USD vào năm 2019. Thị trường này cũng đồng thời được dự báo có tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 14,64% đến năm 2026.

Nếu theo dự báo trên thì năm 2021, thị trường trung tâm dữ liệu sẽ đạt khoảng 987 triệu USD và sẽ đạt 2 tỷ USD vào năm 2026.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử, thói quen mua sắm trực tuyến cũng như sự gia tăng trong mức độ sử dụng các phương tiện giải trí online trong dịch Covid-19 đã kéo theo nhu cầu lưu trữ gia tăng, dẫn tới sự tăng trưởng rõ nét đối với nhu cầu cho trung tâm dữ liệu.

Hơn nữa, nhu cầu về trung tâm dữ liệu được ghi nhận đáng kể từ các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng và các công ty công nghệ thông tin. Savills cũng ghi nhận nhu cầu xuất phát từ một số tập đoàn công nghệ có mong muốn mở rộng tại thị trường Việt Nam thời gian vừa qua.

Theo ông Giám đốc Savills Hà Nội, các trung tâm dữ liệu thường có định dạng và kích thước khác nhau, từ các trung tâm dữ liệu lớn (hyperscale) có ngân hàng thiết bị cho đến các trung tâm dữ liệu quy mô nhỏ, cung cấp diện tích lưu trữ từ xa.

Đặc biệt, mỗi quy mô lại có mục đích khác nhau, lưu trữ các loại dữ liệu khác nhau và yêu cầu hệ thống vận hành, chiến lược vận hành chuyên biệt. Do vậy, yêu cầu về vị trí đặt trung tâm dữ liệu cũng phụ thuộc vào quy mô cũng như nhu cầu của từng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, thị trường ghi nhận số lượng giao dịch online tăng cao so với trước đó, nhưng nhu cầu đi lại mua sắm của người tiêu dùng hiện vẫn rất lớn, thậm chí nhiều nhà bán lẻ trực tuyến hiện nay còn có nhu cầu sở hữu mặt bằng bán lẻ truyền thống cho thương hiệu của mình.

Bán lẻ sẽ không chỉ dừng lại ở việc mua bán hàng hoá mà còn là cung cấp dịch vụ cho khách hàng, ví dụ, đó có thể là các trải nghiệm về ẩm thực, giải trí, hoặc thư giãn. Khách hàng sẽ mua sắm trực tuyến nhưng song song với đó họ vẫn có mong muốn đi tới các trung tâm thương mại một khi các lệnh giãn cách được gỡ bỏ.

Do vậy, các nhà bán lẻ cần nhận thức rõ về sự thay đổi này để có thể thích ứng, xây dựng những không gian bán lẻ đa chức năng, phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng.

Nguồn: CafeF.