Dưới góc nhìn của người trong ngành, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy tốc độ số hóa và sự thay đổi hành vi của người dùng, trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho sự tăng trưởng thương mại điện tử trên toàn cầu. Trong bối cảnh giãn cách, hạn chế tụ tập đông người, mua sắm trực tuyến, đi chợ online trở thành lựa chọn của phần đông khách hàng.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử lại là động lực lớn cho sự phát triển của logistics, bất động sản hậu cần (nhà xưởng, kho bãi) tại Việt Nam bởi nhu cầu chứa hàng, lưu trữ các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng mạnh. Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy tất yếu đó.
Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL, cho biết Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. So với các hoạt động hậu cần truyền thống, thương mại điện tử sử dụng nhiều lao động hơn và đòi hỏi nhiều không gian kho bãi hơn gấp ba lần. Đây là thực tế khiến bất động sản kho bãi, nhà xưởng có sự tăng trưởng thời gian qua.
Một khảo sát của phóng viên cho thấy giá thuê kho bãi tại Hà Nội đã thiết lập mặt bằng giá mới trong hơn một năm trở lại đây. Riêng tại khu vực phía tây Hà Nội, giá thuê nhà xưởng đã tăng 30%. Một số khu vực gần trung tâm, vị trí đắc địa mức tăng có thể đạt 40%.
Cụ thể, năm 2019, giá thuê kho bãi khu vực Mễ Trì, Mỹ Đình, Phú Đô khoảng 70.000-90.000 đồng/m2/tháng thì đến nay mức giá thuê là 90.000-120.000 đồng/m2/tháng. Cùng biên độ thời gian, kho bãi ở những vị trí đẹp như đường Phạm Văn Đồng, giá tăng từ mức 120.000-140.000 đồng/m2/tháng lên mức 160.000-190.000 đồng/m2/tháng. Khu vực đường Hoàng Quốc Việt, giá tăng từ 80.000-90.000 đồng/m2/tháng lên mức 100.000-120.000 đồng/m2/tháng,
Phú Diễn, Cầu Diễn, Tây Tựu (Bắc Từ Liêm) giá tăng từ 40.000-70.000 đồng/m2/tháng lên 50.000-80.000 đồng/m2/tháng. Kho bãi gần đại lộ Thăng Long, ngã tư Trôi, An Khánh (Hoài Đức) giá thuê cũng tăng từ mức 35.000-60.000 đồng/m2/tháng lên mức 50.000-80.000 đồng/m2/tháng.
Phía nam Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều hệ thống kho bãi, mức giá cũng ghi nhận tăng trung bình 25-30% so với cuối năm 2019.
Cụ thể, tại Hoàng Mai, hệ thống kho bãi tại Tam Trinh, Định Công Thượng, Linh Đàm, giá tăng từ 60.000-85.000 đồng/m2/tháng lên mức 75.000-115.000 đồng/m2/tháng. Khu vực Thúy Lĩnh, Lĩnh Nam, giá cũng tăng từ 40.000-55.000 đồng/m2/tháng lên 50.000-75.000 đồng/m2/tháng.
Theo các môi giới, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng kho bãi tăng mạnh, mức tăng ước đạt 50-60% so với năm 2019 đổ về trước.
Anh Phạm Văn Thái, một môi giới kho bãi khu vực phía tây Hà Nội, cho biết ngoài sự gia tăng của các kho chứa hàng thông thường thì Covid-19 đã khiến nhu cầu về kho lạnh để trữ các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu như thịt, trái cây, thủy hải sản tăng mạnh. Sở dĩ nhu cầu thuê kho lạnh tăng ở mặt hàng này là do sức tiêu thụ chậm lại và do không xuất khẩu được hàng hóa.
Covid-19 không chỉ khiến nhu cầu thuê tăng mà còn khiến chất lượng các kho bãi tăng theo nhu cầu của khách hàng.
Anh Nguyễn Văn Tùng, môi giới kho bãi tại Nam Từ Liêm, cho biết dù nhu cầu tăng, tỷ lệ lấp đầy cao nhưng chỉ những kho bãi có an ninh tốt, đường rộng, xe container vào được, có vị trí thuận lợi cho việc lưu trữ và phân phối hàng hoá đi các quận, huyện, các tỉnh thành khác mới được khách thuê chuộng.
Ngoài ra, các kho bãi cũng phải tự nâng cấp về trang bị máy móc thiết bị bảo vệ, hệ thống điện nước, hệ thống thông gió chiếu sáng tự nhiên, hệ thống phòng cháy thì mới hút khách và có giá thuê cao.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, những loại hình như chung cư, đất nền, nghỉ dưỡng… hấp lực mạnh môi giới tham gia bán hàng, loại hình kho bãi đìu hiu, ít môi giới tham gia. Phân khúc này chỉ có một bộ phận nhỏ lẻ môi giới hoạt động theo hướng tự phát, lẻ tẻ hoặc mở các công ty, văn phòng quy mô nhỏ.
Thế nhưng từ 2020 đến nay, nguồn cầu tăng mạnh khiến đông đảo môi giới nhảy vào thị trường kho bãi. Do đó, thị trường này cạnh tranh gắt gắt hơn, những môi giới làm lâu trong nghề, có nguồn hàng và kết nối tốt vẫn có lợi thế lớn hơn những môi giới tay ngang nhảy vào.
Nguồn: CafeLand.